Từ ngày về làm dâu, tôi không bị mẹ chồng làm khó dễ, nhưng chị lại đóng vai mẹ chồng, soi mói tôi đủ chuyện.
Chị chồng về chơi vào giữa tuần, mang theo nhiều quà. Con gái tôi cũng có quà là cái đầm khá đẹp. Chị nói vừa lên thành phố chơi, nên chị mua quà cho mọi người. Không ở lại ăn cơm, chị về luôn.
Tôi không thắc mắc, lúc chuẩn bị cơm chiều, mẹ chồng thủ thỉ tôi mới hiểu chuyện tặng quà bất thường của chị.
Tuần trước tôi đi họp lớp, có mang về mấy tấm hình tập thể. Chị cũng xem và nhận ra Tuấn, bạn tôi, lại là sếp của chồng chị. Và những đùm những gói chiều nay hóa ra có nguyên nhân cả.
“Chẳng mất mát gì, khi nào con gọi điện cho bạn thì nói khéo mấy câu cho anh rể!”, mẹ chồng nói.
Tôi thấy buồn cười. Hôm trước khi tôi xin đi họp lớp, chị dài giọng nói đó là “mốt của bọn nhà giàu”. Thậm chí chị còn mỉa mai: “Đàn bà có chồng rồi mà vẫn ham tụ tập. Bao nhiêu gia đình tan nát vì đi họp lớp gặp tình cũ…”
Từ ngày về làm dâu, tôi không bị mẹ chồng làm khó dễ, nhưng chị lại đóng vai mẹ chồng. Chị ở thị trấn, có cửa hàng bán quần áo nho nhỏ, mỗi tuần chị ghé về nhà mẹ một lần, lúc rời nhà ông bà, chị tha đi đủ thứ đúng kiểu “con gái – cái bòn”.
Mẹ chồng tôi luôn tìm cách vun vén cho con gái, nhà có gì ngon bà cũng để phần, thậm chí tôi mua tôm tươi về đổi bữa, bà cũng tất tả lấy một ít mang lên thị trấn cách 12 cây số cho chị.
Về nhà, chị luôn tìm cách bới móc tôi. Tôi mua nồi áp suất, máy xay thịt, chị nói đàn bà lười bếp núc, ỷ lại máy móc. Tôi mua máy xay sinh tố thì chị bảo tôi trưởng giả. Tôi may bộ áo dài bằng vải cơ quan phát để mặc Tết chị cũng nói tôi “học làm sang”… Cũng may là chị đã đi lấy chồng trước khi tôi về làm dâu.
Nay có việc cần nhờ, chị đột nhiên hào phóng và vui vẻ. Mẹ chồng thì hối thúc tôi. Tôi thì bối rối chẳng biết sẽ phải nói thế nào với bạn. Tôi với Tuấn học chung nhưng ra đời mỗi người mỗi hướng, mấy năm mới gặp nhau một lần khi họp lớp, làm sao tôi có thể gọi cho Tuấn nói “nhờ bạn nâng đỡ ông anh rể”.
Nghe tôi trình bày, mẹ chồng thừ người. Bà nhìn túi quà thở dài: “Không khéo nó lại ầm ĩ lên”.
Hóa ra bà rất rõ tính con gái, nhưng mẹ nào cũng bênh con, xót con, nên dù biết tôi khó xử, bà vẫn cố nài: “Không được liền thì mai mốt vậy. Con giúp chị đi. Nó ở cùng nhà chồng cũng không dễ dàng gì. Nếu chồng nó được cất nhắc, nhà bên ấy sẽ đỡ dằn hắt. Hay con tìm cớ lên thăm bạn, tiền quà cáp chị không trả thì mẹ trả cho!”
Mẹ chồng tôi cưng chiều con gái lắm. Cũng phải thôi, bà mẹ nào chẳng vậy. Nhưng… – Ảnh minh họa
Tôi thở dài, gói lại cái đầm chị dành cho con tôi. Món quà này nặng quá, tôi không dám nhận. Mẹ chồng không hiểu đi nhờ vả người khác là việc khó khăn nhường nào, đâu phải như chị, mua mấy thứ quà là xong. Thậm chí chị còn không thèm nói thẳng với tôi mà để mẹ chồng nói, hẳn chị biết nếu mẹ chồng lên tiếng, tôi sẽ khó từ chối.
Tôi khẽ khàng: “Con không hứa được, mẹ nhắn với chị như vậy giùm con. Công việc của anh rể phụ thuộc nhiều thứ, đâu phải cứ sếp yêu quý hay nể nang là được. Cất nhắc là chuyện rất khó tính toán, mình nói lại phiền người ta…”.
Biết mẹ thương con gái mà sốt ruột, biết chị chồng có chuyện mới cậy nhờ, biết thì biết thế, nhưng tôi vẫn thấy chua xót. Hôm họp lớp, chúng tôi như đám trẻ lâu ngày gặp nhau, cười nói suốt một ngày rồi chia tay. Nay phải tìm bạn nhờ vả, làm sao tôi dày mặt mở miệng được?