Theo luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định xe ưu tiên gồm:
– Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;
– Xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
– Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường;
– Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu;
– Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ;
– Xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
– Đoàn xe tang.
Luật sư Linh nhấn mạnh, xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự ưu tiên.
Xe được ưu tiên số 1 là xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;
Tiếp đó là xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường;
Những thứ tự tiếp sau lần lượt là xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ, xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật. Cuối cùng là đoàn xe tang.
Theo luật sư, trừ đoàn xe tang, những xe ưu tiên còn lại không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được.
Đặc biệt, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường.
Với tình huống vượt đèn đỏ để nhường xe ưu tiên, luật sư Linh cho biết khoản 1 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định: “Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết” là một trong 5 trường hợp trong bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó, khoản 11 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Như vậy, theo luật sư Linh, hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên được xác định là hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết, nên sẽ không bị xử phạt.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vuot-den-do-de-nhuong-duong-cho-xe-uu-tien-co-bi-xu-phat-20250108100721952.htm