Đường cao tốc là gì?
Theo quy định tại khoản 12, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008:
Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Tất cả các đường cao tốc trên thế giới đều dẫn đường cho tài xế bằng hệ thống biển báo, vạch kẻ đường phản quang và được thiết kế để sau khoảng 4 km đường thẳng, sẽ có một đoạn uốn cong một góc nhỏ.
Tại sao đường cao tốc không làm thẳng tắp?
Khi tài xế chạy xe trên cao tốc sẽ cảm thấy đường êm ru, thẳng tắp nhưng thực tế là sau khoảng dưới 4 km đường thẳng, cao tốc sẽ có 1 có góc chuyển hướng nhỏ với bán kính lớn (5.000-15.000 m).
Các chuyên gia cho biết, nếu xe chạy trên một đường thẳng tắp với tốc độ lớn trong thời gian dài sẽ làm cho thị giác của lái xe rơi vào trạng thái mệt mỏi, phân tán chú ý, gây buồn ngủ, không an toàn. Vì thế nếu lái xe di chuyển từ thẳng đến cong sẽ kích thích được sự tập trung của chủ phương tiện hơn.
Đồng thời, thiết kế này còn giúp giảm bớt ánh đèn ngược chiều làm lóa mắt tài xế, giảm nguy hiểm.
Tại sao cao tốc không có đèn đường?
Cục Đường bộ cho biết, chủ phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc thì sẽ điều khiển phương tiện đi theo biển báo, vạch sơn…, đồng thời đường cao tốc cũng không có giao cắt đồng mức, không có phương tiện thô sơ đi vào nên đầu tư đèn chiếu sáng toàn tuyến là không cần thiết.
Vị đại diện Cục Đường bộ cho biết thêm, trên cao tốc chỉ lắp đèn tại các khu vực như trạm thu phí, trạm dừng nghỉ, nút giao, cầu vượt, hầm… như quy định, quy chuẩn. Còn nếu di chuyển trên đường thẳng thì xe chạy đủ vạch sơn, biển báo là đã đủ an toàn.