Từ vụ 3500 tấn giá đỗ ngâm chất cấm đã bán ra thị trường: Cách phân biệt giá đỗ sạch và ‘ngậm’ hóa chất

Hơn 3500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất ‘trót lọt’ bán ra thị trường

Mới đây, sự việc hàng nghìn tấn giá đỗ bị ngâm hóa chất được đưa ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Cụ thể, ngày 11/4, kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu – Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan đã bắt giữ 4 đối tượng có hành vi vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và thu giữ nhiều tang vật.

Các tang vật bị thu giữ gồm 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” nguyên chất; 150 lít dung dịch hóa chất đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ; 2.000 lu chứa giá đỗ các loại có tổng trọng lượng khoảng 25 tấn.

Trong đó, nước kẹo có tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP). Đây là chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm tại Việt Nam. “Nước kẹo” có tác dụng kích thích tăng trưởng tế bào nên được một số cơ sở sử dụng trong quy trình sản xuất giá đỗ nhằm trục lợi.

Các cơ sở sản xuất dùng loại hóa chất được gọi là
Các cơ sở sản xuất dùng loại hóa chất được gọi là “nước kẹo” để sản xuất giá đỗ nhằm trục lợi về kinh tế. Loại “nước kẹo” này vốn nằm trong danh mục chất cấm dùng trong sản xuất chế biến thực phẩm ở nước ta.

Con người khi tiếp xúc hoặc ăn phải thực phẩm có chứa chất này sẽ gặp nhiều vấn đề nguy hiểm như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hô hấp với các biểu hiện như khó thở, phổi bị tổn thương, viêm phổi, xơ phổi…

Cơ quan chức năng bước đầu đã làm rõ được các đối tượng này sử dụng “nước kẹo” để sản xuất giá đỗ từ năm 2024 đến nay. Sản lượng trung bình của mỗi cơ sở sản xuất giá đỗ bị kiểm tra là 3-5 tấn/ngày. Theo đó, tính đến thời điểm bị phát hiện, các đối tượng đã đưa ra thị trường hơn 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm. Loại giá đỗ này được đưa tới các tiểu thương ở những chợ đầu mối tại Nghệ An và các tỉnh lân cận. Giá bán của giá đỗ này rơi vào khoảng 10.000 – 15.000 đồng/1kg.

Cách phân biệt giá đỗ sạch và ‘ngậm’ hóa chất

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết giá đỗ ngâm hóa chất thường có một số dấu hiệu như thân giá mập, to tròn, bóng bẩy. Giá ngâm hóa chất thường có thân đều đặn, đẹp mắt và rất ít rễ. Ngoài ra, khi bẻ thử thân giá có thể thấy nó rất giòn và dễ gãy.

Giá được ủ theo phong pháp truyền thống thường không bóng và gầy hơn. Đặc biệt, thân gái có nhiều rễ, cứng cáp và khó đứt gãy.

Thông thường, phải mất 3-5 ngày ủ thì hạt đỗ mới phát triển thành giá có chiều dài khoảng 3-7 cm. Đây là cách ủ truyền thống, cho ra sản phẩm giá sạch. Với cách này, giá sẽ ra nhiều rễ và rễ có thể khá dài do nhu cầu hút nước để phát triển. Trong khi đó, khi sử dụng hóa chất, giá sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều nhưng phần rễ lại không phát triển.

Quan sát phần mầm của giá đỗ sạch sẽ thấy lá mầm màu xanh hoặc màu vàng phát triển khá lớn. Giá đỗ ngâm hóa chất do được kích thích để phát triển trong thời gian ngắn nên hai nửa của hạt đỗ có thể vẫn chưa hoàn toàn tách ra, lá mầm gần như không phát triển.

Về màu sắc, giá có màu vàng nhạt tự nhiên là loại giá được ủ theo cách truyền thống. Trong khi đó, giá có màu trắng sứ, bóng bẩy thường là do được ủ bằng hóa chất sinh ra.

Về vị, giá ngâm hóa chất thường có độ xốp, ăn bị khô, ít ngọt, không thơm ngon. Giá sạch thường nhiều nước, thân đặc và có vị ngọt thanh.

Ngoài ra, giá đỗ sạch thường khó bảo quản hơn. Khi để ngoài không khí, giá rất nhanh bị héo, khô và bị thâm. Giá đỗ ngâm hóa chất không chỉ trông bắt mắt mà còn có thời gian bảo quản kéo dài, ngay cả khi để ở nhiệt độ cao cũng không thay đổi nhiều.