Khi ô tô gặp sự cố phải dừng đỗ bên đường, đặc biệt là trên cao tốc, tài xế cần đặt biển cảnh báo đúng cách để tránh tai nạn.
Khi lưu thông trên đường, tài xế gặp biển cảnh báo này cần giảm tốc độ, đi chậm để đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa).
Ô tô đang di chuyển bất ngờ gặp sự cố hỏng hóc, buộc tài xế phải dừng đỗ xe ngay trên đường để sửa chữa hoặc chờ xe cứu hộ là chuyện thường gặp. Tuy nhiên, không ít trường hợp, người điều khiển ô tô chủ quan, không tuân thủ các quy tắc an toàn dẫn đến va chạm nguy hiểm.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 19h40 ngày 10/3/2024 tại Km58 cao tốc Cam Lộ – La Sơn thuộc thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một điển hình.
Thời điểm xảy ra vụ việc, xe tải BKS 75C-016.91 đỗ bên đường. Lúc này, tài xế xe khách giường nằm BKS 51B- 26149 lưu thông cùng chiều không chú ý quan sát thấy nên đã đâm vào đuôi xe tải nói trên.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, tài xế xe tải khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định gây tai nạn giao thông. Trong khi đó, tài xế xe khách không chú ý quan sát.
Từ báo cáo vụ việc có thể thấy, một phần nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc khiến 2 người chết nói trên là do tài xế xe tải đã quá chủ quan, thiếu kinh nghiệm và không tuân thủ các quy tắc an toàn khi dừng đỗ xe khi gặp sự cố trên đường.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người khác biết.
Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT quy định về báo hiệu đường bộ (được sửa đổi bổ sung bởi QCVN 41:2019/BGTVT), để cảnh báo xe đang đỗ chiếm một phần đường xe chạy cần đặt trên mặt đường biển số W.247 “Chú ý xe đỗ”.
Biển được đặt cách xe phía trước và phía sau xe (theo chiều đi) 5m. Biển đặt trực tiếp trên mặt đường. Đối với đoàn xe gồm nhiều xe cùng đỗ, chỉ đặt biển này ở phía trước xe đầu và sau xe cuối cùng của đoàn xe trên đường hai làn xe.
Đối với đường một chiều, chỉ đặt một biển sau xe (hoặc đoàn xe) đỗ.
Luật Giao thông đường bộ yêu cầu chung là có giải pháp cảnh báo, còn biện pháp như thế nào không quy định cụ thể.
Hiện cũng không có một chuẩn chung cho thiết bị cảnh báo.
Một trong các biện pháp cảnh báo là đặt biển W.247, nếu không có biển này có thể sử dụng các biện pháp cảnh báo khác như đặt cành cây hoặc các vật dụng phù hợp.
Khi lưu thông trên đường nếu gặp biển hình tam giác, màu vàng, viền đỏ (W.247) thì phải chú ý có xe đỗ bên đường.
Quan trọng là khi lưu thông trên đường, gặp biển cảnh báo này, tài xế phải giảm tốc độ ngay.
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, cần đặt biển hoặc vật cảnh báo đạt tiêu chuẩn, có phản quang để các phương tiện khác lưu thông trên đường dễ dàng phát hiện từ xa và chủ động xử lý tình huống.
Ngoài ra, tài xế cũng cần thực hiện đầy đủ các quy tắc an toàn khác như bật đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard), kéo phanh tay. Với các xe nhỏ, nên cố gắng đẩy xe vào sát lề đường hoặc các vị trí an toàn nhất có thể. Hạn chế dừng đỗ tại các khu vực đường cong, khuất tầm nhìn.
Đặc biệt, trong quá trình chờ xe cứu hộ đến, tài xế và người đi cùng trên xe tuyệt đối không đứng ở phía sau xe.
Bởi lẽ, vị trí này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu chẳng may có một phương tiện khác phía sau không phát hiện và kịp thời tránh.