Đã hơn 20 năm cầm lái nhưng ra đường trong sáng ngày đầu tiên năm 2025, anh Đào Mạnh Quốc, 46 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội nói “rất hồi hộp và có chút rón rén”.
“Cứ gần tới đường giao nhau là tôi thấp thỏm, sợ có khoảnh khắc mình lơ đễnh, vô tình vi phạm luật giao thông. Giải pháp của tôi là đi chậm và dừng trước khi đèn vàng bật sáng”, anh nói.
Nỗi sợ của anh Quốc xuất phát từ các mức phạt mới của Nghị định 168, gấp nhiều lần trước đây. Trong đó, các tài xế tâm tư nhất với mức phạt của hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông” (vượt đèn đỏ) tăng từ mức 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng.
“Mức phạt cao sẽ có sức răn đe, giảm vi phạm nhưng cánh tài xế như chúng tôi rất sợ gặp ‘đèn lỗi ‘, ‘biển khuất’ và những tình huống khó kiểm soát khác”, anh Quốc nói.
Là tài xế chạy tuyến miền Trung, anh Quốc cũng đang rất trăn trở với quy định giới hạn thời gian lái xe tối đa 10 tiếng một ngày, không quá 48 tiếng một tuần và không lái liên tục 4 tiếng. Nếu tài xế vi phạm sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng, còn chủ xe bị phạt 8-12 triệu. “Đang lái xe trên cao tốc, chưa tới điểm nghỉ thì dừng thế nào?”, anh thắc mắc.
Theo tài xế này, mọi người đang bị hút quá nhiều vào lỗi vượt đèn đỏ mà quên các mức phạt khác cũng rất cao và dễ vi phạm. Ví dụ, lỗi “vận chuyển hàng hóa chằng buộc không chắc chắn” có mức phạt tăng tới 30 lần trong khi lỗi này “rất cảm tính”, không có tiêu chuẩn cụ thể, tất cả phụ thuộc vào đánh giá bằng mắt thường.
Với mức thu nhập 15 triệu đồng tháng, anh Quốc cũng bày tỏ nỗi lo khi mức phạt quá cao so với thu nhập. Nhiều lỗi phạt xong còn bị tước quyền lái xe, giữ xe vài tháng, đồng nghĩa những người cầm vô lăng mất kế sinh nhai.
“Tôi không cổ súy vi phạm, nhưng thực tế cuộc sống còn nhiều tình huống phát sinh người lái xe không thể kiểm soát hết mà lỗi của ai thì cũng chỉ có tài xế chịu phạt”, anh nói.
“Mấy ngày nay tôi đang có suy nghĩ bỏ nghề”, anh Quốc nói.
Đây cũng là những lo ngại của anh Xuân Hùng, lái xe có 20 năm kinh nghiệm ở TP HCM. Mấy ngày nay các nhóm chat của anh và đồng nghiệp liên tục thảo luận về Nghị định 168. Họ đặc biệt quan tâm đến lỗi vượt đèn đỏ phạt tới 18-20 triệu đồng, trong khi thu nhập của tài xế như anh dao động 12-14 triệu mỗi tháng. “Chỉ cần sơ suất là mất hơn tháng lương”, tài xế 45 tuổi nói.
Là quản trị viên của một diễn đàn mạng xã hội có hơn 21.000 tài xế, anh Hồng Minh, 55 tuổi, ở Hà Nội ghi nhận hầu hết thành viên đều tán thành với mức phạt cao để đủ sức răn đe. Song, hạ tầng giao thông cũng cần được cải thiện tương xứng.
Gần 30 năm cầm lái, anh đã trải qua nhiều tình huống éo le liên quan đến đèn tín hiệu như đèn xanh đếm ngược còn chục giây đột ngột chuyển sang vàng rồi đỏ; hoặc đèn dừng đã xanh nhưng đèn đếm ngược chưa hết. “Nếu đi tiếp thì lo bị phạt, còn dừng lại dễ bị xe phía sau đâm phải”, anh nói.
Để tự bảo vệ mình trong trường hợp bị xử phạt, xe anh Minh được trang bị camera hành trình. Tuy nhiên, với hình thức phạt nguội, có thể phải chờ đến nửa năm mới nhận được thông báo vi phạm. Lúc đó, dữ liệu trong camera đã bị xóa, nên cũng sẽ gây không ít phiền toái để thanh minh.
Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định rằng những lo ngại của người dân về hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là hoàn toàn có cơ sở. Nếu cơ sở hạ tầng không được cải thiện kịp thời, tình trạng vô tình vi phạm luật giao thông rất dễ xảy ra.
“Điều này không chỉ gây hoang mang và phản ứng tiêu cực trong cộng đồng mà còn làm giảm hiệu quả của các quy định mới”, ông Hiển nói.
Về ý kiến cho rằng mức phạt hiện nay quá cao so với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam, luật sư cho rằng đây là cần thiết. Mức phạt cao đóng vai trò răn đe rất mạnh, khiến người tham gia phải suy nghĩ kỹ trước khi vi phạm.
“Mục tiêu cao cả của mức xử phạt nghiêm khắc là giảm thiểu tai nạn, bảo vệ cộng đồng và an toàn cho xã hội”, ông nói.
Luật sư nhấn mạnh rằng nếu người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, không uống rượu bia khi lái xe, không vượt quá tốc độ, không lạng lách – sẽ không bị xử phạt. Những vi phạm do yếu tố bất khả kháng, như đèn tín hiệu lỗi hoặc biển báo bị che khuất, sẽ được xem xét và không bị xử lý khi có căn cứ rõ ràng.
“Tuy nhiên chỉ khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cải thiện hạ tầng, tuyên truyền hiệu quả và áp dụng pháp luật phù hợp, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh”, ông Hiển nói.
Cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm, tại ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến (Hà Nội) sáng 2/1. Ảnh: Huy Mạnh
“>