Nội dung bài viết là quy trình lập biên bản xử phạt giao thông của Cảnh sát giao thông theo quy định mới nhất.
Quy trình lập biên bản xử phạt giao thông của Cảnh sát giao thông năm 2025 (Hình từ Internet)
1. Yêu cầu với Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ
Theo Điều 3 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định về yêu cầu đối với cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ như sau:
– Thực hiện đúng quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Thông tư 73/2024/TT-BCA và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quy tắc ứng xử và Điều lệnh Công an nhân dân.
– Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
– Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
2. Quy trình lập biên bản xử phạt giao thông của Cảnh sát giao thông năm 2025
Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 73/2024/TT-BCA hướng dẫn về quy trình xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông như sau:
– Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính được lập bảng mẫu in sẵn hoặc lập trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;
– Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính:
+ Cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe;
+ Hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020);
+ Đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an (sau đây viết gọn là Cổng dịch vụ công);
+ Ký vào biên bản (trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).
Trường hợp có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;
– Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản.
Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;
– Việc giao biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) và Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.