Xe số sàn đa số được các tài xế mới lái lựa chọn để học lái xe cũng như thi lấy bằng lái xe hạng B2. So với xe số tự động thì xe trang bị số sàn có cách lái phức tạp hơn hẳn, các tài mới chưa quen thường gặp phải các tình trạng như giật hay chết máy trong lúc xe đang di chuyển, đặc biệt là khi lùi xe vào chuồng hay đề pa lên dốc.
Những bác tài mới thường chưa quen phối hợp giữa chân côn, chân phanh và chân ga nên tình trạng giật, chết máy có thể nói là xảy thường xuyên. Khi đã quen với các bàn đạp đồng thời nhuần nhuyễn các kỹ năng xử lý tình huống tiếng máy, đi đúng số… thì việc điều khiển xe số sàn sẽ trở lên đơn giản và không bị rơi vào tình trạng chết máy nữa.
Trước khi bước vào tìm hiểu xe số sàn chạy thế nào cho đúng cách không bị giật, chết máy thì độc giả cần nắm rõ các kiến thức về hệ thống bàn đạp và các ký hiệu trên hộp số để tránh nhầm lẫn, có thể dẫn tới các sự cố không mong muốn.
Thao tác hệ thống 3 bàn đạp đúng cách
Ở khu vực để chân của tài xế (phía dưới vô-lăng) trong một chiếc ô tô sử dụng số sàn sẽ có một hệ thống 3 bàn đạp theo thứ tự từ trái sang phải bao gồm: chân côn – chân phanh – chân ga.
- Chân côn (còn gọi là bàn đạp ly hợp): Đây là bàn đạp điều khiển sự kết nối giữa động cơ và hộp số
- Chân phanh: Đây là bàn đạp điều khiển hệ thống phanh của xe
- Chân ga: Đây là bàn đạp điều khiển tốc độ của xe
Các ký hiệu trên cần số của ô tô có ý nghĩa gì
Ký hiệu cơ bản trên cần số:
- Số trung gian: thường có ký hiệu số N (Neutral), số 0 hay còn gọi là “mo”…
- Số tiến: số 1, 2, 3, 4, 5…
- Số lùi: ký hiệu R (Reverse)
Khác với ký hiệu số tự động thường được in trên bệ cần số, các ký hiệu số sàn được in hẳn trên tay nắm cần số với sơ đồ theo hình chữ H đặc trưng như sau:
- Số lẻ 1, 3, 5… nằm ở hàng trên
- Số chẵn 2, 4, 6… nằm ở hàng dưới
- Số N nằm trên đường ngang ở giữa (vị trí trung tâm)
- Số R có thể nằm ở trên, dưới hoặc cùng trục ngang với số N nhưng thường thấy nhất là nằm dưới cùng bên phải
Ý nghĩa của các ký hiệu trên cần số
Lực dẫn động hộp số cao nhất ở số 1 và giảm dần ở các số tiếp theo. Tương ứng tốc độ xe sẽ thấp nhất ở số 1 và tăng dần ở các cấp số tiếp theo. Tuỳ theo từng thời điểm và tình huống vận hành mà người lại chọn số phù hợp.
- Số 1: Đầy là số có lực dẫn động cao nhất và tốc độ thấp nhất, sử dụng khi xe bắt đầu đề pa khởi hành, xe cần leo dốc cao…
- Số 2, 3: Số 2 có lực dẫn động cao thứ nhì – thấp hơn số 1 nhưng tốc độ cao hơn số 1, thường dùng sau số 1. Tương tự sốc 3 có lực dẫn động thấp hơn số 2 nhưng tốc độ cao hơn số 2. Số 2 và số 3 thường dùng khi xe chạy ở tốc độ thấp.
- Số 4, 5, 6: Các số này dùng khi xe chạy với tốc độ trung bình đến cao. Khi này xe không cần lực dẫn động lớn mà cần duy trì tốc độ ổn định.
BẢNG TƯƠNG QUAN GIỮA CẤP SỐ VỚI TỐC ĐỘ CỦA XE | |
Số 1 | 16 km/h |
Số 2 | 32 km/h |
Số 3 | 48 km/h |
Số 4 | 72 km/h |
Số 5 | >72 km/h |
Số N | 0 km/h (không lăn bánh) |
Số R | 16 km/h (đi lùi) |
*** Lưu ý: Bảng tương quan chỉ mang tính chất tham khảo do hộp số của từng hãng xe, thậm chí là của từng mẫu xe sẽ có sự phân chia tỉ lệ truyền khác nhau dựa trên đặc điểm thế mạnh của xe
Cách chạy xe số sàn không bị giật, chết máy
Nguyên nhân: xuất phát từ việc cài số chưa phù hợp với tốc độ di chuyển trên đường. Chẳng hạn, khi vận hành với tốc độ chậm, tài xế cài số 4 – 5 thay vì lựa chọn số thấp hoặc khi vào cua người điều khiển không về số phù hợp và nhả chân côn ngay.
Muốn chiếc xe của mình chạy mượt mà, các tài xế có thể thao khao một số kỹ năng lái xe dưới đây
1. Khi khởi động
- Bước 1: Hạ phanh tay, sau đó đạp hết chân côn.
- Bước 2: Nếu xe đang có dấu hiệu trôi thì đạp nhanh chân phanh để xe dừng hẳn
- Bước 3: Khởi động xe, chân trái đạp hết côn và đẩy cần số lên số 1
- Bước 4: Nhả côn từ từ, nếu nhả nhanh có thể dẫn đến chết máy. Đồng thời chân phải chuyển sang chân ga, nhả dần chân côn cho đến khi xe từ từ lăn bánh.
- Bước 5: Nhẹ nhàng nhấn ga, để vòng tua máy vượt qua chế độ chạy không tải. Tiếp theo là nhả chân côn và nhẹ nhàng đạp thêm ga ở mức độ vừa phải.
- Bước 6: Vẫn đạp chân ga và bỏ hoàn toàn chân côn để tiếp tục di chuyển đều trên đường.
2. Khi lên số
- Bước 1: Xác định thời điểm lên số. Thông thường, xe sẽ hơi bị gằn khi lên số tại thời điểm vòng tua máy lớn, vậy nên tài xế nên từ từ chậm rãi chuyển sổ.
- Bước 2: Giải phóng chân ga, đạp cho hết côn. Lưu ý: đạp hết chân côn để tách côn hoàn toàn. Nếu không sẽ làm giảm tuổi thọ và độ bền của hộp số khi chuyển số.
- Bước 3: Chuyển cần số lên cao hơn, sau đó bỏ chân côn và đạp thêm ga.
3. Khi về số
- Bước 1: Xác định thời điểm khi nào về số thấp. Tương tự lúc chuyển số cao, căn cứ vào vận tốc của xe để tiến hành chuyển số. Thông thường, khi tốc độ động cơ xuống dưới ngưỡng thích hợp với cấp số hiện tại thì xe hơi sẽ bị giật cục và đạp ga không có tác dụng. Lúc này, bạn phải đạp lút côn, tay phải đưa cần số về vị trí thấp hơn.
- Bước 2: Nhẹ nhàng nhả chân côn và đặt chân phải lên chân ga. Sau khi về số thấp, xe cho cảm giác như bị ngừng đột ngột. Lúc này tài xế nên nhích nhẹ chân ga để động cơ bắt kịp với tốc độ di chuyển của xe.
- Bước 3: Thả chân côn và sử dụng chân ga để tăng/giảm tốc độ của xe như bình thường.
4. Khi phanh để dừng xe
- Bước 1: Hãy chắc chắn một điều là phanh xe khi cần số đang ở số chạy chứ không phải ở vị trí N. Nếu cần số ở vị trí N, xe sẽ chạy theo quán tính và phanh sẽ không “ăn”.
- Bước 2: Giữ phanh cho đến khi tốc độ vòng tua cao hơn chế độ chạy không tải, sau đó cắt côn và đưa cần số về vị trí N.
- Bước 3: Tiếp tục giữ phanh để chiếc xe dừng hẳn. Sau đó bỏ phanh khi vận tốc xe ở ngưỡng dưới 20 km/h để xe từ từ lăn bánh tới vị trí đỗ/dừng. Thao tác này giúp trọng lực phân bổ ra phía trước thay vì chỉ tập trung ở giảm xóc, tạo thế cân bằng và giúp xe không bị giật khi dừng.
- Bước 4: Giữ phanh khi xe đã dừng. Thao tác này đảm bảo xe dừng hẳn ở một địa hình bằng phẳng hoặc luồng giao thông đông đúc.
5. Khi dừng trên dốc
- Bước 1: Bắt đầu phanh như bình thường. Khi tới gần chỗ dừng, bạn bỏ chân phanh để chiếc xe di chuyển từ từ về đúng vị trí định dừng. Lúc này, cần số cần để ở vị trí số 1.
- Bước 2: Ngắt côn, chân hơi đạp ga khi xe dừng. Nhiều người gọi thao tác này là vê côn. Khi kết hợp nhuần nhuyễn với chân ga và chân côn, người điều khiển không cần đạp phanh, xe vẫn đứng yên. Nếu chiếc xe có biểu hiện trôi dốc, bạn nên nhả bớt chân côn, nếu xe vẫn có xu hướng lăn bánh tiếp thì bạn đạp sâu thêm chân côn. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm sử dụng ô tô cho biết, bạn chỉ nên sử dụng cách này nếu để xe dừng ở thời gian ngắn hoặc nơi có ít phương tiện giao thông. Hạn chế dùng thao tác này bởi nó làm giảm tuổi thọ của côn.
Xem thêm: Kinh nghiệm leo dốc an toàn nhất
6. Khi xe vào cua
- Bước 1: Khi vào cua ở ngã tư vuông góc với vận tốc khoảng 50 km/h trở xuống có thể đạp côn trước, chân phải để vào chân phanh đề rà phanh cho xe chậm lại và tránh bối rối đạp nhầm chân ga. Nếu thoát khỏi cua mà xe bị giảm tốc độ nhiều thì nên về số, còn xe vẫn chạy nhanh thì chỉ cần tăng ga để chạy tiếp. Còn nếu vào cua ở ngã tư với vận tốc chậm thì không cần đạp côn.
- Bước 2: Khi vào cua ở quãng đường cong thì không nên đạp côn, nhất là khi đang ở vận tốc lớn sẽ khiến xe dễ mất thăng bằng, không có khả năng bám đường. Tuyệt nhiên không về số trước khi ôm cua, hãy đợi khi cua xong thấy xe bị chậm lại mới trả về số.
Kết luận
Cách chạy xe số sàn không bị tắt máy vừa kể trên đây sẽ phần nào giúp người mới tập lái xe nắm được các kỹ năng điều khiển ô tô thuần thục hơn. Điều này giúp người lái có thể chủ động kiểm soát các tình huống xảy ra trên đường cũng như giúp xe đạt được mức tiêu thụ nhiên liệu hợp lý khi sử dụng xe số sàn.