Trường hợp nào người điều khiển xe được rẽ phải khi đèn đỏ mà không bị phạt?
Theo một cán bộ cảnh sát giao thông tại TP.HCM, việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ sẽ phụ thuộc vào mật độ phương tiện và cách tổ chức giao thông tại từng khu vực.
Tại điểm c khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi. Do đó, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ sẽ không được rẽ phải. Trừ một số trường hợp cụ thể sau:
– Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
– Có đèn tín hiệu hình mũi tên chuyển màu xanh, cho phép rẽ phải;
– Có biển báo phụ cho phép rẽ phải;
– Có hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường như vạch mắt võng bố trí ở làn đường trong cùng bên phải, tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.
Rẽ phải khi đèn đỏ bị phạt có bị phạt không? Vượt đèn đỏ, đèn vàng bị phạt bao nhiêu?
Ngoài những trường hợp được nêu trên, hành vi rẽ phải khi đèn đỏ là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng). Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông của từng loại phương tiện được quy định như sau:
– Đối với xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô: bị phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và trừ 4 điểm Giấy phép lái xe.
– Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và trừ 4 điểm Giấy phép lái xe.