Con riêng của chồng đề nghị một việc khiến tôi khó xử

Năm ngoái, chồng tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và mới đây đã qua đời.

Tôi năm nay 67 tuổi, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Tôi kết hôn lần đầu khi mới 20 tuổi, nhưng sau 10 năm kết hôn, cuộc hôn nhân này đã kết thúc vì tôi không thể sinh con.

Sau đó, dưới áp lực của mẹ, tôi đã tới các buổi hẹn hò qua mai mối và cuối cùng kết hôn với anh Lưu. Anh hơn tôi 5 tuổi. Vợ cũ của anh mất khi sinh con, trong bao năm qua anh luôn nuôi con trai một mình. Điều kiện kinh tế của anh cũng khá tốt khi làm kinh doanh nhỏ.

Tôi không thể sinh con nên không ngại việc trở thành mẹ kế. Tôi tin, nếu đối xử tốt với con riêng của chồng, sau này lớn lên nó cũng sẽ có hiếu với tôi.

Từ khi về chung một nhà, tôi đã coi con trai riêng của chồng như con ruột. Tôi không chỉ chăm sóc con mà còn rất quan tâm đến việc học hành của con.

Về phía chồng, anh đối xử với tôi rất ân cần và dịu dàng. Không những vậy, anh luôn sẵn sàng hỗ trợ gia đình tôi trong những lúc khó khăn. Chẳng hạn như khi bố tôi ốm nặng, ông xã đã không ngần ngại chi trả hàng cả trăm triệu đồng tiền viện phí. Anh cũng giúp đỡ hai người em trai của tôi, khiến tôi rất cảm thấy biết ơn và càng quyết tâm hơn để vun vén cho tổ ấm này.

Tôi và chồng cũ ly hôn sau 10 năm chung sống vì tôi không thể sinh con. (Ảnh minh họa)

Năm tháng cứ thế trôi qua, chồng tôi đã nghỉ hưu, con trai cũng có gia đình riêng. Cuộc sống của chúng tôi thoải mái và hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Nhưng vào năm ngoái, chồng tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Sau đợt điều trị đầu tiên, bệnh tình của anh đã ổn định. Tưởng rằng mọi thứ sẽ dần tốt lên, nhưng không ngờ rằng năm nay, tế bào ung thư lại tái phát và tình hình trở nên nghiêm trọng. Dù có tiền cũng không thể cứu chữa.

Biết bệnh tình của mình, chồng nói với tôi:

– Việc điều trị quá đau đớn mà cũng không có hy vọng khỏi bệnh. Anh không muốn lãng phí thời gian cuối đời trong bệnh viện nữa.

Tôi và con tôn trọng quyết định của anh, đưa anh về nghỉ ngơi tại nhà.

Trong nửa năm cuối đời, tôi luôn ở bên cạnh chồng. Con trai và con dâu cũng thường xuyên đưa con đến thăm ông nội. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, chồng đã gọi chúng tôi lại bên giường và nói rằng ông có hai căn nhà. Căn lớn hơn sẽ để lại cho vợ chồng con trai, còn căn nhỏ mà vợ chồng tôi đang ở sẽ dành cho tôi.

Anh cũng có 1,5 tỷ trong tài khoản tiết kiệm. Anh muốn để lại 1 tỷ cho vợ chồng con trai, vì con trai có con nhỏ và đang gặp nhiều áp lực trong cuộc sống. Số tiền còn lại là 500 triệu đồng sẽ dành cho tôi.

Tôi không phản đối. Tôi rất biết ơn chồng vì sự sắp xếp này. Nhiều năm trước, anh đã mua bảo hiểm hưu trí cho tôi, hiện tại tôi được nhận 5 triệu mỗi tháng, cuộc sống đã được đảm bảo. Giờ anh lại để lại cho tôi một nơi ở ổn định và 500 triệu đồng, cùng với số tiền tiết kiệm của riêng mình, tôi đã có thể sống an nhàn trong những năm tháng cuối đời.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, chồng đã gọi chúng tôi lại bên giường để phân chia tài sản. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hành động của con trai và con dâu khiến tôi bất ngờ. Con dâu nói:

– Bố ơi, bố để lại 1 tỷ cho mẹ đi, chúng con chỉ nhận 500 triệu thôi. Chúng con còn trẻ, có thể kiếm tiền. Mẹ đã lớn tuổi, có nhiều tiền trong tay sẽ an tâm hơn.

Con trai cũng đồng tình với ý kiến của vợ và khuyên tôi nên nhận 1 tỷ đồng. Nghe các con đề nghị, tôi rất cảm động vì sự hiếu thảo của chúng. Chồng tôi đồng tình, nhưng tôi lại cảm thấy khó xử.

Các con đang sống trong một căn nhà mua trả góp. Cháu trai đang đi học, nên gánh nặng tài chính trên vai các con khá nặng nề. Vì vậy, tôi đã từ chối không nhận số tiền mà các con đề nghị đưa cho tôi.

– Số tiền hiện có đã đủ để mẹ sống thoải mái trong những năm tháng cuối đời rồi, mẹ không cần thêm 500 triệu đâu.  

Sau khi nghe tôi phân tích, chồng mỉm cười khuyên con trai và con dâu nên nghe lời tôi, sau này ông mất thì vợ chồng con nên thường xuyên về thăm, chăm sóc tôi. Đến lúc này, các con đành nhận 1 tỷ đồng mà chồng tôi cho.

Dù hiện tại chồng tôi đã qua đời, nhưng tình cảm giữa tôi và vợ chồng con trai vẫn không hề phai nhạt. Chúng thường xuyên về thăm tôi và thỉnh thoảng cũng đưa tôi về nhà chúng ở một thời gian.

Ngẫm lại những gì đã trải qua, tôi cảm thấy biết ơn vì lời khuyên của mẹ năm đó, nhờ có mẹ mà tôi có đủ dũng khí để bắt đầu một cuộc sống mới. Đời này gặp được người chồng thứ 2 cũng là may mắn của tôi, vì chính anh đã mang lại cho tôi một mái ấm và giúp tôi trải nghiệm niềm vui của việc có con cháu bên cạnh, mặc dù tôi không thể sinh con.