CSGT có thể lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại bất kỳ đâu khi đã đáp ứng các điều kiện và đảm bảo việc lập chốt phải được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Việc kiểm tra nồng độ cồn trở thành hoạt động cần thiết và thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), điều này không chỉ giúp người tham gia giao thông bảo vệ bản thân mà còn tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mọi người.
Việc lập chốt được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát
Căn cứ Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát công khai sẽ có các hình thức sau:
– Tuần tra, kiểm soát cơ động trên tuyến, địa bàn được phân công
– Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông
– Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông.
Trong đó, lập chốt kiểm tra nồng độ cồn là hình thức kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông. Hình thức này được quy định như sau:
– Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định;
– Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ;
– Trong suốt quá trình tuần tra, kiểm soát tại chốt giao thông thì lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát.
Trường hợp kiểm soát vào buổi tối, ban đêm lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ có đèn chiếu sáng để hỗ trợ công tác, và phải bảo đảm đủ ánh sáng.
Như vậy, CSGT hoàn toàn có thể lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại bất kỳ đâu khi đã đáp ứng các điều kiện kể trên và phải đảm bảo việc lập chốt kiểm tra này phải được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Dừng phương tiện tại chốt để kiểm soát, CSGT cần đảm bảo những yêu cầu gì?
Theo Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì khi dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, Cảnh sát giao thông cần đảm bảo những yêu cầu sau:
– An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông;
– Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
– Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm tuyến đường giao thông để triển khai chiều dài đoạn rào chắn cho phù hợp, bảo đảm an toàn.
– Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; phải đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Căn cứ tình hình thực tế tại khu vực kiểm soát, chuyên đề kiểm soát, có thể bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.
Như vậy, trên thực tế, không có một khung giờ cố định nào được quy định chính thức cho các chốt kiểm tra nồng độ cồn. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như khu vực, tình trạng giao thông, và yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông.
Các chốt kiểm tra không chỉ có mục đích phát hiện và xử phạt người vi phạm mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Vì vậy, việc kiểm tra nồng độ cồn là một cách bảo vệ cộng đồng khỏi những rủi ro không đáng có.