Tự ý lập bãi giữ xe ngày Tết bị xử phạt như thế nào?

1. Tự ý lập bãi giữ xe ngày Tết bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm s khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), tự ý lập bãi giữ xe ngày Tết khi chưa đủ điều kiện thì sẽ bị phạt như sau:

Điều 14. Xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định;

b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

2. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này còn buộc phải phá dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Như vậy, tự ý lập bãi giữ xe ngày Tết không tuân theo quy định sẽ bị xử phạt:

– Cá nhân vi phạm:  Phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

– Tổ chức vi phạm: Phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, còn kèm theo các biện pháp khắc phục hiệu quả là:

– Buộc phá dỡ công tình và khôi phục lại tình trạng ban đầu nếu xây dựng trái phép.

– Buộc xây lại theo đúng quy định nếu xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn.

2. Có những điều kiện nào khi kinh doanh bãi giữ xe?

Kinh doanh bãi giữ xe thì phải đáp ứng được những điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 43 Thông tư 36/2024/TT-BGTVT như sau:

1. Yêu cầu đối với bãi đỗ xe

a) Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;

b) Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

3. Đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe phải đáp ứng điều kiện nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Thông tư 36/2024/TT-BGTVT, đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe phải đáp ứng điều kiện cụ thể sau đây:

3. Quy định đối với đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe

a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe;

b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;

c) Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi;

d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

e) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa;

g) Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.