Ngay tối đó, tôi nghe được bà nói chuyện riêng với con gái. Vợ tôi được mẹ “nhồi” vào đầu tư tưởng đó thì thấm thía lắm.
Lương của tôi được hơn 40 triệu mỗi tháng, trong khi vợ chỉ khoảng 12-13 triệu. Tính vợ tôi thì tiêu xài hoang phí, cứ có tiền trong túi là mua sắm không biết điểm dừng. Hồi đầu cưới xong thì tôi cũng ngoan ngoãn nộp hết lương cho vợ giữ, trông cậy vào khả năng quản lý tài chính của cô ấy, hi vọng vợ sẽ tiết kiệm tốt để sớm mua được nhà. Nhưng không ngờ, sau 2 tháng, tôi đã phát hoảng.
Tháng nào vợ cũng hỏi: “Anh còn đồng nào không, đưa em đóng tiền điện” hoặc: “Anh chuyển cho em 3 triệu ngay nhé, em trả tiền ship”… Tôi hỏi 40 triệu chồng đưa đâu? Vợ tỉnh bơ trả lời: “Em tiêu hết rồi. Bao nhiêu thứ phải mua sắm đấy, anh không thấy à?”.
Thế nên sau đó, tôi phải ngồi lại với vợ, nghiêm túc phân chia việc quản lý tiền bạc và chi tiêu trong gia đình. Tôi sẽ đưa vợ mỗi ngày 200 ngàn để lo tiền thức ăn. Muốn mua gì khác thì cô ấy phải nói trước để tôi xem xét, nếu được thì tôi sẽ chuyển tiền, còn không được thì thôi. Cố gắng mỗi tháng 2 vợ chồng chỉ chi tiêu hết 15 triệu (bao gồm cả tiền thuê nhà và điện nước).
Tuy nói thế, nhưng tháng nào vợ cũng hỏi xin thêm vài triệu, khi thì “Kem chống nắng và sữa rửa mặt của em hết rồi, cho em xin 2 triệu để mua”, lúc lại “Em cần váy mới đi ăn cưới đứa bạn học, không thể kém chúng nó được” rồi “Xe em hết xăng, hỏng lốp nên em bảo dưỡng luôn, hết 1,5 triệu”, “Văn phòng tổ chức đi ăn hải sản, mỗi người đóng 500 ngàn”… Toàn những thứ không thể không chi tiền ra được. Thế nên tháng nào cũng đi bay 20 – 22 triệu. Đây là tôi còn gạt bỏ nhiều thứ vợ đề xuất rồi đấy! Nhưng chí ít thì chúng tôi vẫn tiết kiệm được 30 triệu mỗi tháng. Đây cũng là con số không nhỏ đối với các cặp vợ chồng trẻ.
Ảnh minh họa
Vợ chồng ăn ý với nhau được 1 năm, để ra được hơn 300 triệu, thì hôm vừa rồi, bố mẹ vợ lên chơi ở lại 3 ngày nên biết chuyện. Bởi vì hôm nào cũng thấy tôi đưa tiền cho vợ đi chợ, và hôm nào cũng là vợ gọi tôi trả tiền ship, tiền điện nước, một số việc khác nữa nên mẹ vợ hỏi và biết tình hình trong nhà.
Ngay tối đó, tôi nghe được bà nói chuyện riêng với vợ tôi. Bà bảo vợ tôi “ngu ngốc”, để chồng nắm hết tiền bạc như thế thì sau này chồng ra bên ngoài léng phéng, về đòi bỏ vợ thì vợ trắng tay. Rồi lại đàn ông cầm tiền trong người dễ sinh hư. Bà lấy luôn ví dụ về bản thân. Trong nhà thì bà nắm hết tiền bạc nên nói gì là ông nghe răm rắp. Trái ý bà là bà cho ra đường ở luôn, nên gia đình luôn hạnh phúc, gắn bó với nhau mấy chục năm trời, ông chưa từng đối xử tệ với bà…
Vợ tôi được mẹ “nhồi” vào đầu tư tưởng đó thì nghe thấm thía lắm. Lúc quay lại giường, cô ấy liền nằng nặc đòi giữ sổ tiết kiệm và từ giờ sẽ quản lý tài chính. Mặc cho tôi giải thích rằng vợ không có khả năng giữ tiền, có phải tôi chưa từng cho cô ấy thử sức đâu, chẳng qua cô ấy không làm nổi. Chồng giữ thì cũng là tài sản chung của 2 người, vợ không thiệt đi đâu mà sợ. Nhưng vợ tôi nhất quyết đòi cầm, còn tỏ ra giận dỗi tôi, cho tôi thời hạn 2 ngày suy nghĩ, nếu không thì cô ấy sẽ bỏ về nhà mẹ đẻ.
Khổ thật đấy, tôi biết làm gì để vợ hiểu hoàn cảnh gia đình mình khác với bố mẹ đây? Đưa cho vợ thì tôi dám chắc còn lâu mới mua được nhà, khi cần tiền có lẽ còn không “bói” nổi ra một đồng. Nói sao cho vợ tôi từ bỏ ý định này hả mọi người?