Trường hợp nút giao thông tổ chức cho rẽ phải, thể hiện bằng tín hiệu đèn mũi tên màu xanh hoặc biển báo phụ thì người lái xe được phép rẽ phải khi đèn đỏ mà không vi phạm.
Những ngày qua, quy định về đèn tín hiệu giao thông đường bộ được nhiều người quan tâm. Nguyên nhân là nghị định 168/2024 đã tăng mức phạt lên cao đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ).
Tuy nhiên, nhiều độc giả đặt câu hỏi thắc mắc tại các nút giao, nếu rẽ phải khi đèn đỏ có vi phạm hay không?
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, khoản 4, điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) quy định: Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi. Do vậy, ở trường hợp thông thường, người tham gia giao thông không được đi bất cứ hướng nào khi gặp đèn đỏ.
Trường hợp nút giao thông tổ chức cho rẽ phải, thể hiện bằng tín hiệu đèn mũi tên màu xanh hoặc biển báo phụ thì người lái xe được phép rẽ phải khi đèn đỏ mà không vi phạm, không bị xử phạt.
Ngoài ra, tài xế cũng được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu người điều khiển giao thông đang làm nhiệm vụ ra hiệu lệnh cho phép.
Nhưng cơ quan chức năng cũng khuyến cáo lái xe cần chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ trong các trường hợp này.
Luật cũng quy định tín hiệu đèn màu xanh là được đi. Thế nhưng, nếu người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, tài xế phải giảm tốc độ, hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp.
Từ 1-1-2025, mức phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với quy định trước đây.
Trong đó, mức phạt đối với ô tô sẽ là 18-20 triệu đồng; mức phạt đối với xe máy là 4-6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online