Bồn cầu đóng cặn vàng khè: Làm cách này, không cần tốn công cọ rửa cũng sạch bong

Bồn cầu là thứ được mọi người sử dụng thường xuyên, nhiều lần trong ngày. Do đó, chỉ sau một thời gian ngắn, các cặn bẩn sẽ đọng trên thành bồn cầu. Bạn sẽ thấy bồn cầu bị ố vàng hoặc bị đen. Nếu không làm sạch, mùi hôi sẽ xuất hiện càng ngày càng rõ, gây mất vệ sinh. Bồn cầu đóng cặn bẩn cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của người sử dụng.

Để làm sạch bồn cầu mà không tốn quá nhiều thời gian cọ rửa, bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây.

Sử dụng nước sôi làm sạch bồn cầu

Bạn sẽ đổ nước sôi lên toàn bộ bồn cầu. Sau đó, phun dung dịch tẩy rửa lên thành của bồn cầu để nó từ từ chảy xuống. Để nguyên như vậy ít nhất 15 phút để chất tẩy rửa phát huy công dụng của nó.

Sau đó, dùng bàn chải chà nhẹ là các cặn bẩn sẽ biến mất.

Việc kết hợp nước nóng với chất tẩy rửa sẽ tăng hiệu quả đánh bay vết bẩn, khử mùi hôi và loại bỏ vi khuẩn. Nước nóng còn giúp phân rã các chất thải bị tắc nghẽn ở bồn cầu, giúp thông tắc với những trường hợp đơn giản. Thông thường, nếu bồn cầu có dấu hiệu thoát chất thải chậm, bạn có thể dội nước nóng vào bồn cầu rồi chờ trong khoảng 30 phút cho các chất cặn bã phân rã. Sau đó, xả nước cho chúng trôi đi là được.

Trong quá trình vệ sinh, bạn cũng đừng quên cọ sạch mặt ngoài bồn cầu, nắp bồn cầu.

Bạn có thể sử dụng nước nóng kết hợp với chất tẩy rửa đang sử dụng để làm sạch bồn cầu.
Bạn có thể sử dụng nước nóng kết hợp với chất tẩy rửa đang sử dụng để làm sạch bồn cầu.

Sử dụng chanh tươi

Nếu muốn chọn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, vừa có tác dụng làm sạch, khử mùi vừa không gây hại sức khỏe, chanh tươi là sự lựa chọn tuyệt vời. Chanh có chứa axit tự nhiên có thể diệt khuẩn và loại bỏ các cặn bẩn. Ngoài ra, mùi thơm dịu nhẹ của chanh cũng giúp khử mùi hôi ở khu vực bồn cầu một cách hiệu quả.

Bạn sẽ cần 4-5 quả chanh, vắt lấy phần nước cốt. Sau đó, trộn nước cốt chanh này với một ít bột giặt và đổ lên toàn bộ bề mặt bồn cầu. Để nguyên như vậy trong ít nhất 30 phút. Tiếp đó, dùng bàn chải đề cọ rửa bồn cầu như bình thường. Bạn sẽ thấy không cần sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa mạnh mà vết bẩn ở bồn cầu cũng được loại bỏ, mùi hôi cũng không còn.

Sử dụng giấm

Tương tự như chanh, giấm cũng có thành phần axit, vừa giúp làm mềm các vết bẩn, khử mùi vừa khử khuẩn. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn sẽ đổ giấm trắng lên toàn bộ bề mặt của bồn cầu và để nguyên như vậy ít nhất 15 phút. Trong thời gian này, axit trong giấm sẽ phát huy tác dụng làm mềm các vết bẩn. Nhờ đó, quá trình cọ rửa về sau sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn.

Sau một thời gian để giấm ở bồn cầu, bạn chỉ cần lấy bàn chải cọ rửa như bình thường và xả nước cho cặn bẩn trôi đi là được.

Sử dụng baking soda

Baking soda được sử dụng nhiều trong việc làm sạch đồ dùng trong nhà. Chất này cũng khá an toàn vì nó còn được dùng trong nấu nướng, làm đẹp.

Baking soda có hiệu quả trong việc tẩy rửa các cặn đen bám trên bề mặt bồn cầu. Các cặn này thường cứng đầu hơn cặn vàng. Sử dụng baking soda sẽ tăng hiệu quả làm sạch. Hạt baking soda cũng tạo ra độ ma sát tốt hơn để loại bỏ các vết bẩn trong quá trình cọ rửa.

Kết hợp baking soda với giấm hoặc chanh, hiệu quả làm sạch càng tăng cao.

Đầu tiên, bạn sẽ cần dội nước để làm ướt toàn bộ bề mặt bồn cầu. Sau đó, lấy baking soda rắc lên trên, đảm bảo cho nguyên liệu này có thể phủ kín, không bỏ bỏ sót ngóc ngách nào.

Tiếp đó, lấy giấm trắng đổ lên trên bồn cầu. Khi giấm và baking soda gặp nhau, phản ứng sủi bọt sẽ được tạo ra. Bạn sẽ cần để nguyên như vậy trong khoảng 10 phút.

Sau đó, lấy bàn chải cọ rửa như bình thường. Các cặn bẩn sẽ nhanh chóng biến mất. Xả nước cho chất bẩn trôi đi là được.

Với các cặn bẩn cứng đầu, nếu chưa thể loại bỏ ngay, bạn có thể áp dụng cách làm trên thêm một lần nữa.

Để làm sạch bồn cầu, ngoài lựa chọn các sản phẩm tẩy rửa bán sẵn trên thị trường, bạn có thể dùng những nguyên liệu tự nhiên như giấm, chanh, baking soda. Cách này sẽ an toàn hơn mà hiệu quả cũng không hề thua kém.